Huyện Tây Sơn: Thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Ngày 23/6/2023, UBND huyện ban hành Kế hoạch số 163/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Tây Sơn

Chương trình Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030
Chương trình Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
2. Yêu cầu: Bảo đảm triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 19/5/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh, trong đó chú trọng lồng ghép việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 19/5/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh gắn với việc thực hiện Kế hoạch phát triển Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên trên địa bàn huyện Tây Sơn giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các chương trình, đề án và các nhiệm vụ khác có liên quan.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp nhằm triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn huyện.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp
– Phấn đấu đến năm 2025, 100% nhà giáo và cán bộ quản lý được đào tạo bổ sung nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số.
– Phấn đấu đến năm 2025, 100% nhà giáo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đào tạo phát triển học liệu số.
b) Đổi mới và phát triển chương trình đào tạo
– Phấn đấu 100% chương trình đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin, công nghệ số được cập nhật phù hợp với ứng dụng khoa học công nghệ mới.
– Phấn đấu 70% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 chuẩn đầu ra chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, dưới 03 tháng được tích hợp năng lực số, có nội dung đào tạo phù hợp với phương thức chuyển đổi số.
c) Quản lý số và quản trị số
– Phấn đấu đến năm 2030, Trung tâm GDNN – GDTX huyện số hóa quá trình học tập, kết quả học tập, văn bằng giáo dục nghề nghiệp của người học và kết nối, tích hợp dữ liệu lên môi trường số.
– Phấn đấu vào năm 2025, 100% báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về giáo dục nghề nghiệp theo chỉ đạo, phê duyệt của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh được thực hiện trên môi trường số và kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Thực hiện cơ chế, chính sách phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
– Phối hợp đề xuất xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư phát triển, xây dựng hệ sinh thái số giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích việc tài trợ và đóng góp, ủng hộ vật chất cũng như các điều kiện khác thực hiện chuyển đổi số hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
– Nghiên cứu, phối hợp đề xuất và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dạy, người học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp.
2. Thực hiện chương trình, nội dung đào tạo giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số trong nền kinh tế và hội nhập quốc tế
– Xác định kiến thức và kỹ năng số cơ bản và nâng cao đối với người lao động trên môi trường số; lồng ghép vào chương trình đào tạo, các môn học liên quan tới kỹ năng số, công nghệ thông tin nhằm cung cấp các kỹ năng số cơ bản, nâng cao cho người học.
– Dự báo các năng lực và kỹ năng số cần có của ngành nghề, đặc biệt là các ngành nghề phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trên cơ sở dự báo nhu cầu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa và xây dựng mới chuẩn kiến thức, năng lực thực hiện cho các ngành nghề đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.
3. Phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số
3.1 Hạ tầng số
– Tăng cường đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị, hệ thống an toàn thông tin phục vụ quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc thầm quyền quản lý.
– Ưu tiên hình thức thuê, hợp tác công tư trong đầu tư hạ tầng số, thiết bị thực tập số, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành ảo, phòng học thông minh, các thiết bị phát triển học liệu số… phục vụ cho quá trình chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp.
3.2 Hạ tầng dữ liệu
– Phối hợp thực hiện hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý giáo dục nghề nghiệp có khả năng đồng bộ với hệ thống thông tin thị trường lao động và cơ sở dữ liệu về giáo dục nghề nghiệp. Kết nối hệ thống thông tin trong và ngoài lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
– Thực hiện nền tảng hạ tầng cơ sở dữ liệu phục vụ báo cáo tổng hợp và phân tích nhu cầu giáo dục nghề nghiệp, phân tích chất lượng dạy và học, hỗ trợ công tác tuyển sinh và các nghiệp vụ khác.
3.3 Nền tảng số và học liệu số
– Ưu tiên hình thức thuê, hợp tác công tư, thuê, đầu tư xây dựng, tiếp nhận nền tảng số dạy và học trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp của huyện.
– Triển khai nền tảng học liệu số trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo nguyên tắc kết hợp học liệu mở với xây dựng thị trường trao đổi học liệu.
4. Phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp và đổi mới phương pháp dạy và học
– Phối hợp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng số cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp.
– Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các phương pháp dạy và học mới cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Áp dụng hình thức học tập thích nghi, phối kết hợp hài hòa việc dạy và học trực tiếp tại Trung tâm GDNN – GDTX huyện với việc dùng các công nghệ, học liệu số, thiết bị thật, thiết bị ảo, phòng học ảo, cá nhân hoá việc học tập.
5. Chuyển đổi số hoạt động quản lý nhà nước và quản trị cơ sở giáo dục nghề nghiệp
5.1 Chuyển đổi số hoạt động quản lý nhà nước
– Thực hiện nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến, các phần mềm quản lý phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
– Triển khai theo hướng dẫn về công cụ và triển khai hoạt động kiểm tra, hoạt động đảm bảo chất lượng thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
– Kết nối phần mềm, chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác báo báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về giáo dục nghề nghiệp.
5.2 Chuyển đổi số trong quản trị của cơ sở giáo dục nghề nghiệp
– Phát triển, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất, đảm bảo kết nối, khai thác phục vụ xử lý thông tin theo yêu cầu quản lý, quản trị.
– Số hóa hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó chú trọng đến quản lý tuyển sinh, đào tạo, đảm bảo chất lượng, phát triển chương trình, quản lý nhà giáo, quản lý học viên, kết nối doanh nghiệp.
– Mỗi học viên đều có hồ sơ số về việc học tập cá nhân; cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai hoạt động quản lý dạy và học trên môi trường số. Triển khai thanh toán học phí, lệ phí không dùng tiền mặt.
– Đẩy mạnh việc đảm bảo chất lượng đối với việc dạy học trực tuyến.
– Triển khai việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập, đánh giá kỹ năng nghề trên môi trường số.
6. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng
– Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng; quản lý và giám sát an toàn thông tin; bảo mật dữ liệu, bảo đảm cơ chế sao lưu, phục hồi máy chủ, máy trạm, các thiết bị đầu cuối liên quan.
– Triển khai và xây dựng hạ tầng, nền tảng số, dữ liệu số bảo đảm thông tin cậy, an toàn, lành mạnh; phát triển hệ thống nền tảng, hạ tầng, mạng lưới gắn với bảo đảm an toàn, an ninh mạng, có khả năng tự sàng lọc, phát hiện mã độc tấn công, bảo vệ ở mức căn bản.
– Thường xuyên theo dõi, đánh giá mức độ an toàn, an ninh, các lỗ hổng bảo mật của hệ thống phần mềm và dữ liệu, kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời.

Theo: https://tayson.binhdinh.gov.vn/

Thông báo

TÀI LIỆU

Văn bản

Liên kết hệ thống

Liên kết hệ thống

Thống kê truy cập

Tổng số lượt truy cập: 133479
Scroll to Top
Scroll to Top