Những lợi thế của học sinh khi học ở trung tâm giáo dục thường xuyên

Không vào được lớp 10 ở các trường công lập mà điều kiện kinh tế gia đình không dư dả thì phụ huynh và học sinh nên lựa chọn các trung tâm giáo dục thường xuyên là phù hợp cho bước đi tương lai.

Lựa chọn trường công lập tự chủ về tài chính, trường tư thục, trường dân lập thì phụ huynh thường băn khoăn về chi phí học tập của từng năm học sẽ cao hơn rất nhiều so với trường công lập. Nhiều khi, chi phí học tập quá lớn – ngoài khả năng của một số gia đình.

Trong khi đó, đối với những trung tâm giáo dục thường xuyên thì huyện, quận nào cũng có 1 trung tâm; địa bàn trung tâm hành chính của các tỉnh, thành còn có thêm 1 trung giáo dục thường xuyên cấp tỉnh cũng đang đào tạo chương trình tương đương với trường trung học phổ thông. Tuy nhiên, tâm lí một số thí sinh, phụ huynh vẫn còn e dè khi lựa chọn vào học ở đây.

Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Chương trình giáo dục thường xuyên đang được tổ chức như thế nào?

Trước đây, khi học chương trình 2006 thì số môn học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên gồm có 7 môn học: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý; Sinh học, Vật lý, Hóa học. Các môn học này nhằm phục vụ cho các học viên thi, xét tuyển đại học vào các khối thi, tổ hợp như các học sinh học trung học phổ thông khác.

Kể từ năm học 2022-2023 vừa qua, các trung tâm giáo dục thường xuyên cũng học chương trình giáo dục phổ thông 2018 như các trường trung học phổ thông. Tuy nhiên, số lượng các môn học thì ít hơn.

Các trường trung học phổ thông có 8 môn học bắt buộc và 4 môn học lựa chọn cho tổ hợp. Ngoài ra, học sinh còn học thêm một số chuyên đề học tập. Theo đó, nội dung giáo dục trung học phổ thông (từ lớp 10 đến lớp 12) gồm các môn và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương.

Ngoài các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được chọn 4 môn học từ 3 nhóm môn (Nhóm môn khoa học xã hội: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật; Nhóm môn khoa học tự nhiên: Vật lý, Hóa học, Sinh học; Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật: (Âm nhạc, Mỹ thuật), trong đó, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học và các chuyên đề học tập lựa chọn.

Đối với khối giáo dục trình thường xuyên thì số môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc ít hơn. Ngày 26/7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 12/2022/TT-BGDĐT quy định các môn học bắt buộc của giáo dục thường xuyên gồm 7 môn học, trong đó: Ngữ văn, Toán, Lịch sử là 3 môn học bắt buộc và 4 môn học lựa chọn trong số các môn học: Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ. Học viên chọn 4 môn học từ các môn học lựa chọn.

Như vậy, chương trình giáo dục thường thường xuyên ít hơn 5 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc. Vì thế, áp lực học tập của những học viên học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên sẽ ít áp lực và nhẹ nhàng hơn các trường trung học phổ thông rất nhiều. Điều này giúp cho các học viên có thể học sâu các môn học và dành thời gian cho các hoạt động giáo dục,vui chơi khác.

Học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên có những lợi thế nhất định

Khi tốt nghiệp trung học phổ thông, dĩ nhiên là học sinh nào cũng muốn vào các trường công lập hay các trường tư thục, dân lập danh giá nhưng vì không đậu vào công lập hoặc không có điều kiện để học ở các trường ngoài công lập thì lựa chọn các trung tâm giáo dục thường xuyên vẫn là một bước đi thông minh, phù hợp cho nhiều học sinh.

Bởi lẽ, nếu nhìn vào số môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc của các trường trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục thường xuyên thì học viên học ở trung tâm giáo dục thường xuyên có số môn học ít hơn nhưng không phải vì thế mà quyền lợi bị ảnh hưởng. Số môn học ở trung tâm giáo dục thường xuyên vẫn đảm bảo cơ bản về tổ hợp khi xét tuyển đại học sau này, chỉ có môn Ngoại ngữ 1 (tiếng Anh) không phải môn học bắt buộc sẽ ảnh hưởng một chút nhưng nếu học viên chịu khó học thêm chứng chỉ quốc tế cũng sẽ là một lợi thế sau này.

Trong khi, học sinh các trường trung học phổ thông có lịch học kín tuần thì các học viên ở trung tâm giáo dục thường xuyên thư thả hơn vì số môn học ít nên số tiết học cũng ít hơn, các học viên có thể tranh thủ thời gian ôn tập những môn học cơ bản để phục vụ cho việc học đại học sau này. Hoặc, có thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa, trau dồi thêm một số kĩ năng mềm cần thiết để trang bị cho bản thân.

Mức học phí của giáo dục thường xuyên cũng chỉ ngang bằng với các trường trung học phổ thông nên về cơ bản chi phí học tập không lo tốn kém, thậm chí còn nhẹ nhàng hơn học trung học phổ thông rất nhiều về sách vở, dụng cụ học tập.

Hơn nữa, bằng cấp của hệ trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên hiện nay có giá trị ngang nhau nên khi học xong lớp 12 sẽ cùng thi tốt nghiệp chung đề nên khoảng cách không có. Các học viên giáo dục thường xuyên vẫn xét tuyển đại học bằng học bạ, bằng kết quả thi tốt nghiệp như nhau. Nếu biết chắt chiu cơ hội ít môn, học viên giáo dục thường xuyên có thể chuẩn bị kết quả học bạ của mình đẹp sẽ là lợi thế khi xét tuyển đại học bằng học bạ sau này.

Vì thế, nếu không vào được lớp 10 ở các trường công lập mà điều kiện kinh tế gia đình không tốt thì thí sinh nên lựa chọn các trung tâm giáo dục thường xuyên là phù hợp cho bước đi tương lai của mình. Phụ huynh cũng đừng xem đây là lựa chọn cho bước đường cùng vì thực tế chỉ trừ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có số lượng ngoài công lập nhiều, các địa phương khác loại hình trường ngoài công lập ít nên đa phần khi học sinh không đậu công lập sẽ học ở trung tâm giáo dục thường xuyên và nhiều em vẫn trúng tuyển đại học như thường.

Theo: Thành Phúc – https://congdankhuyenhoc.vn/

Thông báo

TÀI LIỆU

Văn bản

Liên kết hệ thống

Liên kết hệ thống

Thống kê truy cập

Tổng số lượt truy cập: 134540
Scroll to Top
Scroll to Top