Sở Lao động TB&XH: Định hướng mới cho giáo dục nghề nghiệp

Theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/ÐH Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XX, phát triển giáo dục nghề nghiệp là một khâu đột phá, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động…
Đồng bộ quy mô, cơ cấu và chất lượng
Tại Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, một trong những quan điểm nổi bật là: Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN cần chú trọng cả quy mô, cơ cấu và chất lượng đào tạo đồng bộ với đổi mới căn bản toàn diện về GD&ĐT; kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện KT-XH của Bình Định, bảo đảm tính ổn định của hệ thống.
Giờ thực hành tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn. Ảnh: N.M
Giờ thực hành tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn. Ảnh: N.M

Theo đó, Bình Định sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ sở GDNN phù hợp với chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh, đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao của thị trường lao động và chuyển dịch cơ cấu lao động. Những cơ sở GDNN không đáp ứng các điều kiện theo quy định hoặc hoạt động không hiệu quả sẽ được sắp xếp lại theo hướng giải thể hoặc sáp nhập. Đồng thời, tăng quy mô đào tạo của các cơ sở GDNN hoạt động hiệu quả, bảo đảm cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh sẽ có 26 cơ sở GDNN và có tham gia hoạt động GDNN, gồm: 3 trường cao đẳng, 11 trung tâm GDNN-GDTX, 3 trung tâm GDNN, 9 cơ sở khác có tham gia hoạt động GDNN.

Mặt khác, đẩy mạnh, khuyến khích các DN, tổ chức, cá nhân tham gia vào lĩnh vực đào tạo nghề. Phấn đấu đến năm 2025 có 3 trường cao đẳng được phê duyệt trường nghề chất lượng cao, trong đó có ít nhất 1 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4.

Trước đó, trong giai đoạn 2015 – 2020, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn đã là 1 trong 45 trường nghề chất lượng cao của cả nước. Giai đoạn 2021 – 2025 Trường tiếp tục được Chính phủ lựa chọn đầu tư thành trường cao đẳng chất lượng cao. Trường đang tập trung phấn đấu vào nhóm 70 trường được đánh giá, công nhận là trường cao đẳng chất lượng cao, là 1 trong 40 trường tiếp cận trình độ ASEAN-4. Để đảm bảo mục tiêu này, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2439/QĐ-UBND ngày 21.6.2021 phê duyệt “Dự án đầu tư ngành, nghề trọng điểm đến năm 2025” của Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn.

Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin cũng sẽ được các cơ sở GDNN triển khai hiện đại hóa. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, có ít nhất 80% cơ sở GDNN có hạ tầng công nghệ thông tin và phương tiện, thiết bị dạy học phục vụ cho công tác quản lý, hoạt động dạy – học và ứng dụng đào tạo trực tuyến. Ít nhất 90% chương trình, giáo trình các nghề đào tạo được số hóa, đảm bảo các ngành nghề đào tạo đều có địa điểm thực hành, nghiên cứu thực tập, thực nghiệm, chuyển giao KHKT.

Gắn đào tạo với giải quyết việc làm

Theo ông Đặng Văn Phụng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, trong thời gian tới, công tác truyền thông về GDNN sẽ phải tăng cường, đa dạng hơn nữa, đảm bảo truyền thông được thực hiện mọi lúc mọi nơi và hình thành hệ sinh thái truyền thông GDNN. Phát triển hệ thống GDNN theo hướng mở, linh hoạt, thích ứng, gắn việc đào tạo của nhà trường với DN, gắn đào tạo với giải quyết việc làm.

Một trong những bài học nổi bật của phát triển GDNN giai đoạn 2015 – 2020 là các cơ sở GDNN tự chủ trong xây dựng phát triển chương trình, giáo trình đào tạo, có sự tham gia, phối hợp của DN, người sử dụng lao động vào quá trình xây dựng, phát triển chương trình, giáo trình.

Kế thừa kinh nghiệm này, trong những năm tới, các cơ sở GDNN sẽ chú trọng cho phát triển chương trình, giáo trình đào tạo theo hướng thiết thực, phù hợp với từng đối tượng học nghề, tập trung phát triển năng lực người học, rèn luyện kỹ năng thực hành, khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, kỹ năng khởi nghiệp. Bên cạnh đó, cũng quan tâm giáo dục thể chất, nhân cách, đạo đức, lối sống của người học. Xây dựng các cơ chế, chính sách để tạo sự liên kết, phối hợp, tập trung phát triển GDNN theo mô hình liên kết nhà trường – DN.

Hoạt động đào tạo thời gian đến tiếp tục tập trung vào các ngành, nghề thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, ngành, nghề thị trường lao động đang có nhu cầu và các ngành, nghề đặc thù, nặng nhọc, độc hại. Có thể kể đến như: Cơ điện tử, Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Công nghệ sinh học, Vận hành thi công nền, Công nghệ ô tô, Hướng dẫn viên du lịch, Quản trị khách sạn, Kỹ thuật chế biến món ăn, Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm), Khảo sát địa hình, Chế biến và bảo quản thủy sản…

Theo: Báo Bình Định

Thông báo

TÀI LIỆU

Văn bản

Liên kết hệ thống

Liên kết hệ thống

Thống kê truy cập

Tổng số lượt truy cập: 133106
Scroll to Top
Scroll to Top