Trồng nấm giỏi, một nông dân ở Bình Định được mời làm giảng viên dạy nghề trồng nấm

Với nhiều năm kinh nghiệm trồng nấm, ông Đỗ Đình Hòa, chủ cơ sở sản xuất meo giống nấm và bịch phôi nấm các loại ở xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định thường xuyên được các cơ sở dạy nghề trong tỉnh Bình Định mời hướng dẫn nghề trồng nấm.

Thông qua Hội Nông dân huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định giới thiệu, mới đây, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Tây Sơn đã mời ông Hòa đứng lớp dạy nghề trồng và nhân giống nấm ở xã Tây Phú. Tại mô hình thực hành trồng nấm rơm, sau khi chuẩn bị đầy đủ các vật tư thiết yếu, ông Hòa vừa truyền đạt lý thuyết vừa thị phạm, hướng dẫn chi tiết từ cách tưới nước, ủ rơm đến cách xếp rơm thành các mô để trồng nấm và rắc meo giống nấm.

Ông Đỗ Đình Hòa ( áo hồng, mũ đen, bìa phải) hướng dẫn học viên thực hành các khâu trong quy trình kỹ thuật trồng nấm rơm. Ảnh: Đ.M.T
Ông Đỗ Đình Hòa ( áo hồng, mũ đen, bìa phải) hướng dẫn học viên thực hành các khâu trong quy trình kỹ thuật trồng nấm rơm. Ảnh: Đ.M.T

Chị Nguyễn Thị Thanh Sang ở thôn Phú Lâm, xã Tây Phú, học viên lớp dạy nghề, chia sẻ: Cách giảng bài, hướng dẫn sát thực tế của ông Đỗ Đình Hòa khiến chúng tôi không chỉ nắm chắc quy trình kỹ thuật, mà nhờ được giải thích cặn kẽ vì sao phải làm thế này, vì sao phải hạn chế các điều kiện kia… giúp kiến thức, kỹ thuật trở nên dễ nhớ, dễ tiếp thu, dễ vận dụng. Tôi tin là sau lớp học này tôi sẽ làm chủ kỹ thuật sản xuất nấm rơm.

Nói về phương pháp hướng dẫn của mình, ông Đỗ Đình Hòa chia sẻ: “Cùng với lý thuyết căn bản, tôi cố gắng gợi mở, nắm được nhu cầu, vướng mắc của các học viên và giải đáp từng vấn đề. Học viên của lớp học này sẽ có nhu cầu, năng lực tiếp nhận khác với học viên của lớp học khác, vì vậy tôi cố gắng truyền đạt sao cho sát với thực tế lớp học, phù hợp với điều kiện của họ để cùng nhau phát triển sản xuất, tăng thu nhập.

Học viên lớp học thu hoạch nấm rơm. Ảnh: Đ.M.T
Học viên lớp học thu hoạch nấm rơm. Ảnh: Đ.M.T

Ông Lê Văn Quá, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Tây Sơn chia sẻ: Ông Đỗ Đình Hòa biết người đi học cần gì, vừa giới thiệu lý thuyết vừa trực tiếp thực hành, truyền đạt kỹ thuật, kỹ năng đúng những nội dung người học đang cần. Tại lớp dạy nghề trồng và nhân giống nấm ở xã Tây Phú, sau 15 ngày học đến đâu thực hành đến đó, các học viên làm được 25 kg nấm rơm thành phẩm, chưa kể số lượng nấm thu hoạch tiếp sau 15 ngày nữa. Điều này đã khẳng định năng lực của ông Hòa.

Ông Đỗ Đình Hòa kiểm tra chất lượng nấm mọc tại mô hình thực hành. Ảnh: Đ.M.T
Ông Đỗ Đình Hòa kiểm tra chất lượng nấm mọc tại mô hình thực hành. Ảnh: Đ.M.T

Trước đó, ông Đỗ Đình Hòa đã được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện miền núi Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định đứng lớp dạy thưc hành trồng và bảo quản nấm.

Ông Nguyễn Thái Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh khẳng định: Ông Đỗ Đình Hòa rất giỏi nghề trồng nấm. Học viên các lớp đào tạo nghề nông nghiệp tôi đưa đến học thực hành đều làm tốt các khâu kỹ thuật do ông Hòa hướng dẫn. Nhiều học viên đã làm ra sản phẩm tốt sau học nghề.

Học viên lớp nghề thực hành sơ chế nấm rơm và làm mô chuẩn bị trồng nấm. Ảnh: Đ.M.T
Học viên lớp nghề thực hành sơ chế nấm rơm và làm mô chuẩn bị trồng nấm. Ảnh: Đ.M.T

Còn ông Nguyễn Thơm, ở thôn Hóa Lạc, xã Cát Thành, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định chia sẻ, nhờ ông Đỗ Đình Hòa ở huyện Tây Sơn trực tiếp hướng dẫn thực hành trồng nấm tại nhà mà tôi có kỹ năng vững vàng hôm nay. Cũng học nghề trồng nấm như tôi, còn 4 người khác ở Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Gia Lai, tỉnh Phú Yên, tỉnh Lâm Đồng cũng thành công nhờ theo học thầy Đỗ Đình Hòa.

Ông Đỗ Đình Hòa – chủ cơ sở sản xuất meo giống nấm và bịch phôi nấm các loại ở xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn là giảng viên thực hành có nhiều kinh nghiệm và là thành viên tích cực của CLB Nông dân sản xuất giỏi 14.10 của Hội Nông dân tỉnh Bình Định.

Chị Nguyễn Thị Thanh Sang, học viên lớp nghề, thực hành kiểm tra chất lượng nấm khi thu hoạch. Ảnh: Đ.M.T
Chị Nguyễn Thị Thanh Sang, học viên lớp nghề, thực hành kiểm tra chất lượng nấm khi thu hoạch. Ảnh: Đ.M.T

Bà Lê Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Định cho biết, Thời gian qua, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, các nông dân có tay nghề cao trong CLB “Nông dân sản xuất giỏi 14/10” ở Bình Định đã tham gia, tổ chức dạy nghề, truyền nghề cho nông dân, cho học viên các lớp nghề gắn với xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, xây dựng nông thôn mới.

Mô hình này ở Bình Định đã khẳng định được hiệu quả, bởi những giảng viên nông dân là người địa phương, đã có mô hình sản xuất áp dụng thành công, do đó họ rất hiểu phong tục, tập quán và trình độ canh tác của người địa phương, họ truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm theo cách hướng dẫn thực hành là chính và có mô hình thực tế để tham quan nên người nghe rất dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng.

Theo: Đào Minh Trung – https://danviet.vn/

Thông báo

TÀI LIỆU

Văn bản

Liên kết hệ thống

Liên kết hệ thống

Thống kê truy cập

Tổng số lượt truy cập: 134540
Scroll to Top
Scroll to Top