Kinh tế biển xanh – con đường duy nhất đảm bảo thịnh vượng bền vững

Theo Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kinh tế biển dự kiến sẽ đóng góp tới 10% GDP vào năm 2030. Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam cần hướng tới tới xây dựng nền kinh tế biển xanh.

Nhận rõ yêu cầu cấp bách này, Cơ quan Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) phối hợp Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam vừa công bố báo cáo đầu tiên về kinh tế biển xanh mang tên “Hướng đến phát triển bền vững kinh tế biển”. Báo cáo đã đưa ra kịch bản cơ sở cho 5 ngành kinh tế biển trọng điểm của Việt Nam với mục đích tối ưu hóa lợi ích kinh tế – xã hội và môi trường.

Đánh giá sát thực trạng và chính sách cho phát triển bền vững

Nhận thức đầy đủ vị thế, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế biển, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để phát triển bền vững kinh tế biển. Đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để thế chế hóa và cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Có thể thấy về mặt chính sách Việt Nam đã bắt kịp xu hướng kinh tế biển xanh đang phát triển của thế giới. Và báo cáo “Hướng đến phát triển bền vững kinh tế biển” là một trong những nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về phát triển kinh tế biển sử dụng khái niệm kinh tế biển xanh. Báo cáo này bước đầu đã tập hợp một số thông tin và phân tích về tình hình phát triển của một ngành/lĩnh vực kinh tế biển chính, là sản phẩm nghiên cứu của một số chuyên gia trong từng lĩnh vực.

Căn cứ vào thông tin thu thập, quy mô kinh tế của các ngành kinh tế biển quốc gia, bao gồm: hải sản, du lịch biển, hàng hải, khai thác dầu khí và lọc hóa dầu, điện gió ngoài khơi cho thấy các nhóm ngành này đã tăng 2,64 lần từ năm 2010 đến năm 2019. Trong cùng kỳ, quy mô thu nhập quốc dân (GNI) của các ngành này tăng gấp 3,4 lần. Đồng thời, cơ cấu kinh tế cũng có sự thay đổi lớn, trong đó ngành khai thác dầu khí và công nghiệp lọc, hóa dầu giảm từ 60% năm 2010 xuống còn 37% năm 2019; trong khi đó, lĩnh vực du lịch biển tăng từ 13% lên 40% trong cùng kỳ. Trong cơ cấu lao động, phần lớn lao động trong các ngành kinh tế biển thuộc nhóm ngành hải sản và du lịch biển. Ngược lại, phần giá trị gia tăng (GTGT) tạo ra nhiều nhất trên mỗi lao động là ngành khai thác dầu khí và lọc, hóa dầu…

Kinh tế biển xanh – con đường duy nhất đảm bảo thịnh vượng bền vững
Phát triển năng lượng tái tạo biển là ngành cần chuyển đổi trong kinh tế biển xanh

Kịch bản cho kinh tế biển xanh lam

Báo cáo cũng đã làm rõ khái niệm kinh tế biển xanh và đánh giá thực trạng một số ngành kinh tế biển chính của Việt Nam, từ đó xác định tiềm năng và xây dựng kịch bản phát triển kinh tế biển xanh bền vững trong tương lai. Báo cáo đưa ra một số khuyến nghị quan trọng để thúc đẩy kinh tế biển xanh tại Việt Nam, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, trong đó có mục tiêu số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển.

Báo cáo đã đề xuất một số kịch bản đến năm 2030 đã được phát triển cho từng ngành, lĩnh vực này dựa trên các biện pháp can thiệp và cải cách theo từng lĩnh vực. Các kịch bản bao gồm kịch bản kinh doanh “thông thường” và kịch bản “phát triển bền vững” hay còn gọi là “xanh lam” phù hợp và bám sát khái niệm kinh tế xanh và kinh tế biển xanh.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng, tương tác giữa các ngành, lĩnh vực kinh tế nhìn chung là tích cực hoặc khá tích cực, cho thấy vẫn còn dư địa cho phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, vẫn còn các ngành kinh tế có dính líu tiêu cực với môi trường và hệ sinh thái, cho thấy việc mở rộng hơn nữa có thể dẫn đến suy thoái môi trường.  Một kịch bản xanh được xây dựng đã chứng minh rằng giá trị hệ sinh thái và đôi khi là diện tích của các sinh cảnh chính (rừng ngập mặn, cỏ biển, rạn san hô và đầm phá) có thể được tăng lên. Vì vậy, mở rộng kinh tế biển cần phải đi kèm với việc chú trọng duy trì hoặc nâng cao chất lượng môi trường.

Nghiên cứu cũng cho thấy phát triển theo hướng “xanh lam” sẽ giúp gia tăng đáng kể mức thu nhập bình quân đầu người GNI/đầu người. Ở thời điểm năm 2025, theo kịch bản cơ sở GNI/đầu người là 147 triệu VNĐ, trong khi theo kịch bản tăng trưởng xanh là 230 triệu VNĐ. Tương tự, năm 2030, theo kịch bản cơ sở GNI/đầu người là 163 triệu VNĐ, trong khi theo kịch bản tăng trưởng xanh là 290 triệu VNĐ.

Các chuyên gia đã đưa ra khuyến cáo thực hiện kinh tế biển xanh ở 5 lĩnh vực: Thủy sản và nuôi trồng thủy sản, Dầu khí, Năng lượng tái tạo, Du lịch, Vận tải biển.

Với ngành thủy sản và nuôi trồng thủy sản, cần giảm sản lượng đánh bắt thủy sản xuống mức sản lượng bền vững tối đa (~ 2,7 triệu tấn mỗi năm) thông qua việc giảm sản lượng đánh bắt 2% mỗi năm, bao gồm giảm 5% mã lực tàu ven bờ mỗi năm; duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản; và cải tiến quản lý để dẫn đến năng suất an toàn tăng 3,5% mỗi năm.

Ngành dầu khí sẽ thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các hoạt động sản xuất dầu khí; tăng cường bảo vệ môi trường; và tăng cường tham gia vào lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo trên biển mới nổi như điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi.

Để phát triển năng lượng tái tạo biển, Việt Nam cần mở rộng nhanh chóng các nguồn năng lượng tái tạo biển đạt 10.000 MW lắp đặt vào năm 2030, bao gồm ~4.500 MW gió gần bờ (chủ yếu là đồng bằng sông Cửu Long) và 5.000 MW gió ngoài khơi (chủ yếu là khu vực Nam Trung Bộ).

Trong ngành du lịch, các chuyên gia khuyến cáo cần thúc đẩy tăng trưởng khách quốc tế 8 – 10%/năm và khách nội địa 5 – 6%/năm đến năm 2030; đạt 1,6 triệu giường khách du lịch với tỷ lệ lấp đầy 65% vào năm 2030; đưa các tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm cả nước biển dâng, vào quy hoạch du lịch.

Trong lĩnh vực vận tải hàng hải, để đạt kịch bản kinh tế xanh làm, cần tăng vận tải biển lên 20,6% hoặc thị phần vào năm 2030; nâng khối lượng hàng hóa vận chuyển lên 787 triệu tấn; và mở rộng vận tải nội địa lên 289 triệu tấn.

Để đạt được mục tiêu này, các chuyên gia, nhà khoa học cũng khuyến nghị Việt Nam cần lập kế hoạch chi tiết hơn để vận hành kịch bản xanh được nêu trong phân tích này thông qua việc áp dụng các công cụ như Quy hoạch không gian biển. Đảm bảo rằng tăng trưởng kinh tế biển không phải đánh đổi chất lượng môi trường là điều cơ bản để đảm bảo một nền kinh tế xanh ở Việt Nam.Tổ chức xây dựng hệ thống thông tin kinh tế biển một cách có hệ thống và thống nhất để phục vụ nghiên cứu chính sách kinh tế biển xanh trong giai đoạn tới. Tăng cường đào tạo nhân lực cho các hoạt động kinh tế biển, đặc biệt là hình thành đội ngũ chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề phát triển kinh tế biển xanh. Đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về biển.

Nguồn: https://monre.gov.vn/

Thông báo

TÀI LIỆU

Văn bản

Liên kết hệ thống

Liên kết hệ thống

Thống kê truy cập

Tổng số lượt truy cập: 133494
Scroll to Top
Scroll to Top