Doanh nghiệp “bắt tay” trường nghề, đặt hàng lao động: Tín hiệu vui

Bên cạnh hơn 80 doanh nghiệp đã hợp tác trước đây, trong tháng 3.2022, Trường CÐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn chính thức ký kết hợp tác thêm với 5 doanh nghiệp. Ðây là cái “bắt tay” nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, cập nhật kịp thời xu hướng phát triển của thị trường lao động, đẩy mạnh liên kết đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kiểu Việt (DN trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn tỉnh), cho biết: “Việc hợp tác với trường nghề giúp DN tháo gỡ khó khăn về việc tuyển được những người thợ đã được đào tạo, có tay nghề, có kiến thức nền tảng vững chắc. Qua đó, DN có điều kiện xây dựng đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, phù hợp với yêu cầu công việc ngày càng cao”.
Doanh nghiệp “bắt tay” trường nghề, đặt hàng lao động: Tín hiệu vui
Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn ký kết hợp tác với Công ty CP Thương mại và Hợp tác Nhân lực TQC Quốc tế. Ảnh: N.M
Trong khi đó, Công ty TNHH VARD Vũng Tàu (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) là thành viên của VARD – một DN chuyên thiết kế và đóng tàu chuyên dụng lớn trên thế giới, có trụ sở chính tại Na Uy. Ở lần chính thức “bắt tay” với Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, Công ty TNHH VARD Vũng Tàu quan tâm đến lực lượng sinh viên khối kỹ thuật thuộc các nghề như: hàn, cắt gọt kim loại, điện, điện tử…
“Trong giai đoạn 2022 – 2024, chúng tôi cần 300 lao động cho vị trí thợ lắp kết cấu, 150 thợ hàn, 110 thợ lắp ống, 50 thợ hàn ống, 130 thợ điện, 150 thợ hàn 3G CO2… Chúng tôi đề cao tinh thần làm việc theo nhóm, mỗi thành viên là một phần quan trọng tạo nên sức mạnh và sự thành công. Mong rằng sau hoạt động ký kết hợp tác, nhiều sinh viên sẽ có thêm thông tin, sự lựa chọn, mạnh dạn ứng tuyển để trở thành một phần trong tập thể chúng tôi”, ông Huỳnh Xuân Thái, Trưởng Phòng Sản xuất Công ty TNHH VARD Vũng Tàu, thông tin.
Ở lần ký kết hợp tác chính thức này, các DN xuất khẩu lao động như Công ty CP Thương mại và Hợp tác nhân lực TQC Quốc tế, Công ty CP Dịch vụ Xuất khẩu lao động và chuyên gia SULECO nhấn mạnh về nhu cầu lao động có tay nghề đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, các sinh viên có tay nghề sẽ có nhiều cơ hội được DN nước ngoài lựa chọn. Mức thu nhập trong quá trình làm việc cũng sẽ cao hơn lao động phổ thông.
Chưa chính thức ký kết hợp đồng, nhưng ở lần ghé thăm này, Công ty TNHH KURZ Việt Nam đã có những trao đổi về nhu cầu tuyển dụng trong thời gian tới. Được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy sản xuất nhũ và màng mỏng công nghệ cao tại Khu Công nghiệp – Đô thị – Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định vào tháng 11.2021, Công ty TNHH KURZ Việt Nam dự kiến tuyển dụng người lao động từ quý III/2022 trở đi. Theo đó, KURZ tìm kiếm các ứng viên là kỹ sư điện, kỹ sư hệ thống IT, nhân viên kỹ thuật, nhân viên vận hành máy móc, thiết bị, nhân viên kỹ thuật chuyên ngành hóa…
Ông Nguyễn Ngọc Kiều Thắng, Quản lý dự án Nhà máy KURZ Việt Nam, chia sẻ: “Nhà máy đi vào hoạt động sẽ mở ra cơ hội làm việc cho các sinh viên sau tốt nghiệp ngay trên quê nhà. Chúng tôi đặc biệt tìm kiếm các ứng viên có trình độ tiếng Anh cơ bản, linh hoạt, dễ thích nghi với công việc, phong cách làm việc cẩn thận, chính xác, tin cậy và trung thành”.
Theo ông Đặng Văn Phụng, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, cái “bắt tay” giữa DN và nhà trường sẽ đem lại lợi ích cho cả 3 bên: DN, nhà trường, người học. Nhà trường có cơ hội tiếp cận công nghệ mới; điều chỉnh, cập nhật chương trình theo hướng phù hợp thực tế sản xuất và đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng; huy động nguồn lực phục vụ các hoạt động nghiên cứu, đầu tư thiết bị dạy học, tăng cường năng lực cho đội ngũ nhà giáo.
Các DN có thêm cơ hội quảng bá được tên tuổi, thương hiệu, sản phẩm; tuyển chọn nguồn nhân lực phù hợp, có chất lượng; sẵn sàng nguồn nhân lực cho các kế hoạch, chiến lược mở rộng quy mô sản xuất, chuyển đổi mô hình. Còn HSSV được thực tập sản xuất, có nhiều cơ hội việc làm sau tốt nghiệp.

Thông báo

TÀI LIỆU

Văn bản

Liên kết hệ thống

Liên kết hệ thống

Thống kê truy cập

Tổng số lượt truy cập: 133198
Scroll to Top
Scroll to Top