Hoàn thiện các mô hình giáo dục thường xuyên

Định hướng hệ thống GDTX Việt Nam

Hệ thống giáo dục thường xuyên được ghi trong Luật Giáo dục hiện hành là hệ thống giáo dục tổ chức việc học tập suốt đời, đào tạo liên tục cho những người đã học hành qua hệ thống giáo dục ban đầu hoặc chưa học xong chương trình của hệ này cần nâng cao kiến thức và kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc.

GS.TS Phạm Tất Dong phát biểu tại phiên họp

Hệ thống này không giới hạn các đối tượng ở đầu vào bằng những quy định cứng nhắc, giúp cho người học tìm được cho mình một chỗ học, một cách học phù hợp để thỏa mãn mọi nhu cầu học tập của họ.

Theo đó, đề xuất một số giải pháp hoàn thiện các mô hình GDTX giai đoạn 2021-2025, GS.TS Phạm Tất Dong, Trưởng tiểu ban GDTX (Văn phòng Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực) đề cập trước tiên đến phương diện tổ chức.

Theo GS, Chính phủ chỉ đạo tổng kết việc sáp nhập Trung tâm học tập cộng đồng với Trung tâm văn hóa, thể thao tại cấp xã, đánh giá cách làm này trong khuôn khổ các điều về GDTX trong Luật giáo dục hiện hành. Tương tự như vậy, Chính phủ cần có kết luận về việc sáp nhập trung tâm GDTX với trung tâm dạy nghề cấp huyện.

Bà Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GDTX (Bộ GDĐT) cho biết, tại Việt Nam, mạng lưới cơ sở GDTX phủ kín trên phạm vi toàn quốc. Theo số liệu năm học 2019-2020 của Bộ GDĐT, trên toàn quốc có 621 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-GDTX/trung tâm GDTX cấp huyện và khoảng 71 trung tâm GDTX công lập cấp tỉnh; 6 trường bổ túc văn hóa; 3.974 trung tâm ngoại ngữ-tin học; 10.917 trung tâm học tập cộng đồng.

Trước nhu cầu học tập suốt đời của người dân ngày một tăng nhanh, hệ thống cơ sở GDTX công lập khó có thể đáp ứng đầy đủ về mặt quy mô, chất lượng và sự thích ứng. Điều này sẽ dẫn đến ở cấp vĩ mô cần xác định hướng phát triển của hệ thống GDTX phù hợp với tính luật pháp và tính thực tiễn mà xã hội đòi hỏi.

Định hướng hoàn thiện mô hình GDTX theo quy định tại Luật Giáo dục 2019, Vụ GDTX đã đưa ra những đề xuất liên quan đến các mô hình GDTX: Trung tâm GDTX; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – GDTX; Trung tâm học tập cộng đồng; Trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ GDTX.

Trong đó, với Trung tâm GDTX, bao gồm trung tâm công lập và tư thục, định hướng mở rộng, cụ thể hóa nhiệm vụ; Tăng giao quyền cho Giám đốc Trung tâm; Bổ sung thêm Tổ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trong trung tâm; Sở GDĐT quản lý trực tiếp Trung tâm GDTX.

Về Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-GDTX, Vụ GDTX đề xuất chỉ quy định cho loại hình trung tâm công lập (hiện khoảng gần 600 trung tâm) theo hướng cụ thể hóa nhiệm vụ, mở rộng một số chức năng có tính thực tiễn. UBND cấp huyện trực tiếp quản lý Trung tâm; Sở GDĐT, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm quản lý và hướng dẫn về chuyên môn đối với Trung tâm theo thẩm quyền.

Đối với Trung tâm Học tập cộng đồng, Vụ GDTX cho rằng mở rộng loại hình Trung tâm bao gồm trung tâm công lập và dân lập. Điều chỉnh cơ cấu tổ chức theo hướng khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư. Khuyến khích hình thành mô hình trung tâm theo hướng cộng đồng tự quản.

Với cả ba loại hình trên, Vụ GDTX đề xuất nên khuyến khích tự chủ có lộ trình kết hợp với giao quyền, tăng tính giải trình cho giám đốc. Bổ sung trách nhiệm của các tổ chức liên quan và chức năng hợp tác quốc tế/liên kết đối với trung tâm.

Chính sách thúc đẩy công dân học tập suốt đời

GS Phạm Tất Dong cũng đặt vấn đề, nên chăng phải đặt lại việc tổ chức trường CĐ hoặc ĐH cộng đồng cho người lớn, nhất là những cán bộ, công chức, viên chức, kỹ thuật viên cần phải hoàn thành những nhiệm vụ học tập theo yêu cầu của vị trí làm việc.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Cùng với đó, cần xác định ranh giới quản lý công việc dạy nghề giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với Bộ GDĐT. “Theo tôi, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ quản lý các trường CĐ nghề và trung cấp nghề. Còn các cơ sở dạy nghề với tên là trung tâm thì nhập vào cơ sở GDTX do Bộ GDĐT quản lý. Hệ thống GDTX sẽ đặt trong lòng các cộng đồng dân cư, trở thành cơ sở giáo dục tại cộng đồng, vì cộng đồng, do cộng đồng và của cộng đồng”, GS Phạm Tất Dong nêu quan điểm.

Trưởng tiểu ban GDTX cho rằng, cần tập trung các chính sách cho việc xây dựng hệ thống GDTX mở; trong hệ này không có bất cứ rào cản nào đối với việc học suốt đời của mỗi công dân.

Mở các cơ sở GDTX tại các doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, công trường… để tổ chức việc học tập của người lao động tại nơi làm việc vì công việc. Các cơ sở này cũng mang tính mở.

GDTX cần huấn luyện cho mọi người dân tại cộng đồng biết sử dụng các thiết bị như máy tính bàn, máy tính bảng, ipad, smartphone… để có thể học tại nhà, học mọi lúc mọi nơi. Hệ thống đánh giá công nhận kết quả học tập suốt đời phải công nhận kết quả tự học, học vượt cấp học, học không chính quy một cách bình đẳng với học tập chính quy, tạo nên văn hóa học tập trong nhân dân.

Cuối cùng, xây dựng mô hình “Công dân học tập” là chức năng của mọi cơ sở GDTX. Từ đó, mỗi người dân dù học tập ở đâu cũng phải phấn đấu theo đúng tiêu chí công dân học tập do Nhà nước ban hành.

Đề xuất tại phiên họp, PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, hành lang pháp lý với cơ chế thoáng hơn là điều kiện quan trọng để thúc đẩy GDTX. Trung tâm GDTX có thể liên kết trường ĐH để đào tạo, cấp bằng; cũng có thể tổ chức chương trình không cấp bằng, tập trung nâng cao kiến thức. Theo PGS Sơn “Xã hội sẽ thay đổi nhanh chóng trong những năm tới, đặc biệt là dạy – học. Nếu chúng ta không đón trước sẽ bị tụt hậu”.

Theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN, Bộ GDĐT cần định vị rõ nét hơn về GDTX, tập trung giáo dục người lớn, đồng thời, khẳng định, GDTX phải được dẫn dắt bởi các trường đại học.

Đồng quan điểm với GS Thanh, TS Trương Tiến Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội cho rằng, để đảm bảo chất lượng, GDTX cần đẩy mạnh liên kết với các trường đại học vì GDTX không tự làm ra nội dung. Nhấn mạnh nhu cầu học tập của người Việt Nam tích cực gia tăng, TS Tùng phân tích, GDTX cần căn cứ chuẩn đầu ra, thời lượng để tính toán các khóa học, với hai hướng, một là nội dung để hoàn thành văn bằng, hai là kỹ năng, hướng tới học để chung sống, học để sống tốt hơn.

Kết luận phiên họp, GS Nguyễn Tất Dong nhấn mạnh, học thường xuyên có nhiều hình thức, địa điểm: học ở nhà, học tại nơi làm việc; học ở nhà văn hóa, câu lạc bộ, thư viện; các cơ sở dạy nghề, truyền nghề; làng nghề, vùng công nghiệp,…

GS đề nghị Vụ GDTX nên trao đổi với Vụ Giáo dục đại học để triển khai GDTX, hướng người lớn học tập đáp ứng sự biến đổi nhanh chóng của thế giới; tìm kiếm giải pháp để người lớn có tài nguyên giáo dục, tiếp cận công nghệ mới nhiều hơn.

Trung tâm Truyền thông Giáo dục

Thông báo

TÀI LIỆU

Văn bản

Liên kết hệ thống

Liên kết hệ thống

Thống kê truy cập

Tổng số lượt truy cập: 133270
Scroll to Top
Scroll to Top