Nông dân huyện Tây Sơn ở Bình Định giảm chi phí trồng lúa nhờ học nghề bài bản

Đó là kết quả cụ thể nhận được sau 2 tuần học lớp nghề nông “Quản lý dịch hại tổng hợp” của 21 học viên là hội viên nông dân ở xã Tây An, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

Anh Châu Văn Nghĩa (ở xóm 12, thôn Đại Chí, xã Tây An) – học viên lớp nghề này chia sẻ: “Gia đình tôi canh tác 1 mẫu lúa, 2 vụ/năm. Nghe tin UBND xã Tây An phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Tây Sơn chiêu sinh, mở lớp dạy nghề nông với chuyên ngành quản lý dịch tổng hợp ở địa phương, nên tôi đăng ký với Hội Nông dân xã đi học ngay”.

“Làm ruộng lâu nay mà tôi vẫn chưa cập nhật hết được các thông tin, kiến thức kỹ thuật mới về con sâu, cái bướm và bệnh khô vằn, sâu đục thân hại cây lúa. Chương trình, nội dung học còn nhiều các nội dung hữu ích, lúc mở đầu học lý thuyết ở hội trường và thực hành tại ruộng làm điểm của lớp nghề, tôi thấy tâm đắc ở cách làm giảm chi phí khi trồng lúa. Được học nghề tôi đã giảm được chi phí trồng lúa, tăng thu nhập”- anh Nghĩa nói thêm.

Ông Trần Ngọc Sỹ (giữa), giảng viên lớp nghề nông quản lý dịch hại tổng hợp ở xã Tây An, huyện Tây Sơn (Bình Định) thị phạm tại ruộng lúa. Ảnh: Đ.M.T
Ông Trần Ngọc Sỹ (giữa), giảng viên lớp nghề nông quản lý dịch hại tổng hợp ở xã Tây An, huyện Tây Sơn (Bình Định) thị phạm tại ruộng lúa. Ảnh: Đ.M.T

Theo các học viên, một trong những kỹ thuật ảnh hưởng đến năng suất của cây lúa là bón phân đón đòng. Ở giai đoạn làm đòng, cây lúa cần tích trữ nhiều dinh dưỡng để nuôi đòng nên nhu cầu dinh dưỡng rất cao. Việc bón phân muộn giai đoạn này khi số gié và số hoa đã phân chia xong chỉ có tác dụng nuôi đòng, không thêm được hạt và gié hoa.

Trong giai đoạn cây lúa từ đứng cái, làm đòng đến khi chín, cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để cây vận chuyển tích lũy vào hạt, tạo nhiều hạt chắc. Vì vậy, bón phân đón đòng đúng thời điểm, đúng lượng là rất cần thiết để có được số hạt/bông nhiều, hạt chắc/bông cao, đây là cơ sở cho việc tăng năng suất cây lúa khi thu hoạch.

“Được lớp học nghề chọn đám ruộng lúa 1 sào sản xuất vụ hè – thu năm 2024 đang giai đoạn đứng cái, làm đòng của gia đình để làm điểm thực hành, tôi rất vui. Tham gia lớp học nghề, giảng viên bổ sung kiến thức ngay tại ruộng về cách quan sát ruộng lúa và cách bón phân đơn cho cây lúa giai đoạn làm đòng, thay vì bón phân tổng hợp chuyên dùng, tôi thấy rất hay, áp dụng thấy đem lại hiệu quả. Bón phân đơn, gia đình tôi đã giảm được mấy chục ngàn đồng, chỉ trong giai đoạn làm đòng của cây lúa ” – chị Nguyễn Thị Sửu (ở xóm 10, thôn Trà Sơn, xã Tây An) chia sẻ.

Ông Trần Ngọc Sỹ – cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Định, giảng viên lớp nghề quản lý dịch hại tổng hợp ở xã Tây An cho biết thêm: “Mục đích dạy nghề theo hướng giảm chi phí khi trồng lúa, tôi tập trung nói rõ các lợi ích khi thay đổi thói quen bón phân cho cây lúa của bà con trong tỉnh Bình Định nói chung và xã Tây An, huyện Tây Sơn nói riêng.

Khi kiến thức kỹ thuật mới được cập nhật và nhận thức được nâng cao, các học viên lớp Tây An đã áp dụng và chứng minh được hiệu quả ngay. Lớp nghề nông này kéo dài 3 tháng, tuần tự tôi sẽ giảng đi sâu về từng loại sâu bệnh hại cây lúa như bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn, rầy nâu…và cách phòng trừ “.

Theo: Đào Minh Trung – https://danviet.vn/

Thông báo

TÀI LIỆU

Văn bản

Liên kết hệ thống

Liên kết hệ thống

Thống kê truy cập

Tổng số lượt truy cập: 134540
Scroll to Top
Scroll to Top